Phân tích ý nghĩa bài hát Ngoài ý muốn – Tiết Chi Khiêm


(Bài phân tích này dựa trên bản dịch của Mê Mụi chanel)

Bài hát được chọn trong số 7749 bài hát do Vương Tuấn Khải cover.

                   Tìm trên google không hề thấy bài phân tích nào về ý nghĩa bài hát (hoặc quá dễ để nhận ra từ đầu nên không ai làm), vì thế bài viết này được viết ngẫu nhiên vào một ngày u ám, dựa trên tinh thần yy BL. Nên nếu mọi người thắc mắc về thực hư câu chuyện ý nghĩa của bài hát xin liên hệ với Tiết Chi Khiêm để biết thêm chi tiết, N không chịu trách nhiệm về bất cứ sự hiểu lầm nào, tuyên ngôn dành cho bài viết: “Mọi nội dung dưới đây đều thuộc phạm trù suy nghĩ cá nhân.

==================

Ngoài ý muốn là một trong những bài hát Vương Tuấn Khải chọn để hát lại trực tiếp trên sân khấu Solo 4 năm FANS’ TIME ALIVE FOUR. Đây là màn biểu diễn gây ấn tượng cực mạnh cho tôi nhất là đoạn quăng cái chân đế micro đi, và nghe nói cậu đã khóc khi đang trình diễn bài hát này.

Đa số bài hát được sáng tác dựa trên một hoàn cảnh nào đó, hoặc vào lúc tâm trạng nào đấy, một số là do ngẫu hứng. Tôi cho rằng, Ngoài ý muốn nằm trong đại đa số các bài hát đó.

Bởi vì bản thân âm nhạc của Tiết Chi Khiêm mang rất nhiều tâm sự. Mỗi bài hát của anh là một câu chuyện riêng biệt, có khi kể về sự yếu đuối của bản thân khi lại kể về các khía cạnh trắc trở của hai kẻ yêu nhau.

Âm nhạc vang lên, tiếng đàn da diết, giọng hát như tự sự

“Anh đang trên đường vào buổi sớm, ai đã bị anh lãng quên mất rồi?”

Ngay từ giai điệu ban đầu đã thấy được sự nặng nề. Ngữ cảnh đặt chúng ta vào một con đường, nhân vật “tôi” lúc này đương bước trên đường và dường như anh chỉ có một mình với câu hỏi dành cho chính mình: hình như anh đã quên mất ai đó.

“Anh đang du lịch trong đêm, ai đã bị anh quên lãng chăng?”

Vẫn như cũ, đi từ khi “sáng sớm” cho đến khi “đêm muộn” vẫn chỉ có mình anh độc bước trên con đường. Lần này câu hỏi đổi thành ai đã bị anh quên lãng chăng, lời này cho ta thấy anh gần như đã nhớ ra người bị anh “quên lãng” đó là ai.

“Hành lý cũ nát vác trên vai có thể ẩn giấu biết bao kiên cường”

Câu chuyện được kể theo cách mà một bức tranh được hoàn thành. Ban đầu chỉ là những nét chấm phá nhỏ, sau đó mới tô thêm ở đây một nét ở kia một nét, bức tranh từ từ mới hiện ra toàn bộ. Ta có thể mường tượng ra một bức tranh nhân vật tôi đang đi một con đường, sau đó ngày chuyển thành đêm, hành trình đi mãi không ngừng còn trên vai thì mang một bao hành lý trĩu nặng.

Thì ra ngay từ đầu nhân vật tôi không chỉ đi một mình, anh còn mang theo “hành lý”, mà hành lý này đã cũ nát chứng tỏ nhân vật tôi mang nó trên mình từ rất lâu, đến khi nó không còn nguyên vẹn nữa.

Hành lý ở đây không đựng đồ vật phục vụ cho du lịch mà lại chứa sự kiên cường trong đó. Chắc chắn là tượng hình. Ví như hành lý của anh là một bể chứa cất giấu những kiên cường. Mà lúc này, con đường anh đi là con đường gì lại không cần lương thực vật dụng, chỉ cần sự kiên cường? Sự ẩn dụ có thể cho ta thấy con đường này vô cùng khó khăn, mà sao lại khó khăn chỉ có mình anh đi, phải vật lộn cố gắng từng ngày để mang theo gánh nặng “hành lý” mà vẫn cố bước về phía trước.

“Chi bằng tấm thân trần trụi này, trao trả cho anh sự yếu mềm ấy”

Đây là lời khát cầu được giải thoát, buông bỏ mọi thứ từ hành lý cho đến y phục chỉ để lại sơ tâm và tận sâu những nơi thăm thẳm nhất trong lòng. Lời cầu cứu từ một người đã gánh quá nhiều thứ trên vai, nếu một ngày được buông bỏ có lẽ anh ta sẽ bỏ hết những thứ thậm chí không cần anh ta buông, bằng lòng vứt bỏ thứ làm chậm nhịp của anh ta để đổi lại được một lần yếu mềm.

“Rõ ràng biết đây chỉ là tai nạn ngoài ý muốn, em muốn tới hay chăng?

Rõ ràng biết đây là sự tổn thương sâu sắc, liệu em sẽ đến chứ?”

Khẩn cầu từ người mang quá nhiều gánh nặng, nguyện buông bỏ một lần chỉ mong em đến và cùng đi con đường này với anh, đừng để anh đi một mình nữa. Lời cầu mong được sánh bước bên nhau trên con đường tình yêu lặp lại đến hai lần, mong được xác nhận chắc chắc.

Yêu, tại sao ví yêu như một tai nạn ngoài ý muốn. Lẽ nào, là yêu người không nên yêu?

Tổn thương sâu sắc, chưa thử sao biết sẽ có nhiều đau đớn?

Hay là thân phận khác nhau, hay là cái vòng đạo đức không cho phép?

Chưa đến với nhau đã biết trước nhiều thứ như vậy, tình yêu gì nhiều cách trở như thế nhỉ?

“Khi sự điên cuồng dần rời xa tình yêu, em còn điều gì đế xúc động nữa”

Vậy chăng, giữa hai người chỉ có duy nhất tình yêu để níu giữ ngoài ra chẳng còn gì nữa hết. Không hôn nhân, không con cái, không giấy tờ chứng nhận kết hôn chăng? Nghĩa là một khi tình yêu phai mờ mối quan hệ của cả hai lập tức chấp dứt, không còn bất kỳ ràng buộc nào nữa. Tình yêu nào cần sự điên cuồng chứ, điên cuồng để làm gì có dũng khí để đối mặt với tất cả sao? Là dám càn quấy bỏ hết tất cả để đến với nhau sao? Nếu chẳng phải là vậy, vậy tình yêu chẳng cần đến sự điên cuồng.

Thế thì, khi hai người ấy yêu nhau, chắc chắn là yêu nhau, bởi nào một kẻ yêu đơn phương có được từng ấy kiên cường đi trên độc lộ như vậy. Đúng vậy họ yêu nhau, nhưng phải nhờ sự điên cuồng kia duy trì tình yêu của mình, nếu không có nó e là tình yêu giữa họ cũng chỉ như ánh sao băng vụt sáng rồi tắt lịm như chưa từng tồn tại.

Tôi luôn thắc mắc loại tình yêu gì phải cần sự điên cuồng để thắp sáng liên tục, cần dũng cảm của cả mình và đối phương để duy trì…

“Nếu như sớm đã không tồn tại cảnh vật này

Thì anh nghĩ mình sẽ chẳng yêu ai”

Chính là thế. Nhân vật tôi trong bài hát nói lên những lời tự đáy lòng mình. Bối cảnh một lần nữa được lặp lại. “Cảnh vật này” là gì? Nói trắng ra là: nếu như không phải như vầy anh sẽ không yêu ai cả. Vậy cảnh vật này là sao đây?

Ở đây chúng ta có hai trường hợp.

Một, là tình yêu bình dị. Nam nữ yêu nhau là chuyện thường cần gì phải nói như thế.

Hai, là tình yêu sóng gió. Tình yêu gì được gọi như vậy, là loại tình yêu ở trên còn có, cùng giới. Nghĩ thử xem tại sao tình yêu trong bài hát này làm cho nhân vật tôi gánh chịu nhiều dằn vặt như vậy, đi một con đường khác với người thường, cần có sự điên cuồng chấp nhất. Đúng vậy các tình yêu trên kia cũng khó xử, nhưng thường không được coi như đi ngược với tiến hóa tự nhiên. Trừ phi đó là tình yêu đồng giới.

Nếu như không có cô gái kia thì anh sẽ còn cô gái khác, nếu như không có chàng trai kia thì em sẽ tìm chàng trai khác. Nào đâu vì yêu một người, gánh chịu nhiều thứ nặng nề, đi con đường bôn ba, đánh đổi nhiều thứ như vậy. Đặt trường hợp tình yêu đồng giới thì mọi chi tiét được giải đáp hết sức hợp lý.

Đồng giới quả thực là gánh nặng tâm lý, trong xã hội còn chưa nghĩ thoáng thì đồng giới là một mối quan hệ cực kỳ áp lực, hàng nghìn vụ tự sát diễn ra chỉ vì không chịu nổi sức ép từ dư luận. Yêu một người cùng giới tính, là đi vòng quanh một mép vực, con đường nguy hiểm này khẳng định chỉ có người nào rơi vào tình cảm này mới hiểu được chỉ cần sơ sẩy một bước sẽ không thể nào quay lại. Vậy nên nhân vật tôi đi một mình là điều dễ hiểu, và hành lý làm trì trệ đôi vai kia có lẽ là loại tình yêu ngang trái này.

Anh ta cần rất nhiều dũng khí và sự mạnh mẽ mới có thể bước tiếp một mình, do đó khi dùng cạn nó rồi anh ta trở nên yếu mềm và cần thêm một ai đó để giúp đỡ. Mà người giúp đỡ lý tưởng nhất không ai khác chính là người anh ta yêu. Nên anh ta mới hỏi người đó rằng: Em có muốn bước tới. một bước này sẽ là sự khẳng định cho tình cảm của anh ta đồng thời của là động lực để anh đi tiếp trên đoạn đường này.

Sự mỏi mệt vây lấy con người kia, hành lý chứ đựng sự kiên cường của anh ta giờ cũng nát bét, đã cố hết sức và giờ thì mỏi mệt làm sao. Anh ta không thể duy trì tình cảm này thêm được nữa và đến lúc cần xác định xem người kia có muốn cùng anh đối diện những khó khăn ở trước mắt hay không.

Anh nói rằng nếu không có cảnh vậy này anh sẽ không yêu ai, nó như một lời đánh vào lòng người kia là em có chịu đi con đường chông gai này cùng anh không, người duy nhất anh yêu.

‘Chẳng yêu ai xN”

Nhân vật tôi khẳng định rất nhiều lần bằng ba từ không yêu ai. Cho đối phương thấy được sự khổ đau không có lựa chọn và sự chấp nhất của con tim khi đã yêu. Em không đến anh ấy vẫn sống được, chỉ là không yêu ai nữa mà thôi. Dùng hàng chục câu không yêu ai để mong đả động được quyết định của người kia, anh ta sợ người kia không dũng cảm được như mình, không dám bước tới một bước để ở bên nhau.

“Không yêu ai hết”

Lời cuối vẫn khẳng định rằng: “Nếu như không phải là em, anh tuyệt đối không thể yêu một người nào khác.”

Phải rằng, bài hát này như một lời tuyên bố của nhân vật tôi thể hiện cái tình cái khó của mình cho người yêu biết và mong đổi lấy sự dũng cảm của người ấy. Tình cảm của nhân vật tôi có lẽ vẫn sẽ tiếp tục, nhưng nó bùng lên hay lụi tàn chỉ mong chờ vào quyết định của người kia.

Tôi vẫn tiếp tục tìm lời hồi đáp cho tình yêu ngoài ý muốn này.

Dù em có đáp lời hay không, ai biết được tình yêu này có tiếp diễn hay sẽ dừng lại một này nào đó.

 

1 bình luận về “Phân tích ý nghĩa bài hát Ngoài ý muốn – Tiết Chi Khiêm

Bình luận về bài viết này